Với việc ứng dụng công nghệ Jet-Grouting, nhóm đã mua thiết bị cũ rồi tự lắp ráp, vận hành, làm các thí nghiệm trước khi đưa vào thực tế. Nhóm đã tạo ra được một bức tường có khả năng ngăn chặn dòng thấm dưới nền và hai bên công trình về mùa lũ, liên kết tốt với bản đáy công trình để tạo thành kết cấu chống thấm hoàn chỉnh và không ảnh hưởng đến kết cấu cống, thi công nhanh, thuận lợi, chủ động trong mọi tình huống, kể cả khi nước sông dâng cao, giá thành rẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm công trình, cho biết cống dưới đê là một hạng mục quan trọng đặc biệt trên các tuyến đê, nhiều sự cố gây vỡ đê là do cống bị thấm. Việc chống thấm cho cống dưới đê, đặc biệt là cống nằm trên nền địa chất phức tạp là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm an toàn đê điều mùa bão lũ.
Các giải pháp trước đây như sử dụng các loại cừ, khoan phụt ximăng sét... không hiệu quả vì địa chất nền đê phần lớn là cát mịn, phải xử lý dưới bản đáy cống, điều kiện thi công khó khăn, tốn kém và nhiều nơi phải làm đi làm lại.
Ứng dụng công nghệ Jet-Grouting có nhiều ưu điểm như khả năng xử lý sâu, cả phần nền nằm dưới bản đáy, thi công được trong điều kiện ngập nước, giá thành giảm 130 triệu đồng trong thời gian chỉ 15 ngày so với trước là 2 tháng. Lợi ích kinh tế của công nghệ đã thuyết phục các chủ đầu tư nên năm 2008 doanh số thực hiện đạt trên 30 tỷ đồng.